10 ĐIỀU CẦN TRÁNH KHI ĐÀM PHÁN

10 ĐIỀU CẦN TRÁNH KHI ĐÀM PHÁN

1. Không có kế hoạch cụ thể:
Cuộc đàm phán không có kế hoạch cụ thể định trước sẽ không đem lại kết quả như mong muốn. Nếu có nhiều nội dung, lĩnh vực đàm phán thì cần phải phân loại, sắp xếp trước để tránh lẫn lộn khi đàm phán. 

2. Không thông báo trước nội dung đàm phán khi thỏa thuận lịch đàm phán với đối tác:
Điều này có thể làm cho buổi đàm phán sẽ thất bại và nhiều khi thất bại với lý do đáng buồn như nhầm nội dung đàm phán hay phía công ty đối tác cử nhầm người ra đàm phán vì không rõ nội dung sẽ đàm phán. 

3. Nói quá nhỏ:
Trong đàm phán, nói quá nhỏ sẽ khiến đối tác mất tập trung và có thể dẫn đến hiểu lầm. Vì vậy, cần phải nói đủ rõ, ngắn gọn và nên nói chậm hơn lúc bình thường. Như vậy, đối tác sẽ có thời gian để nghe, tiếpnhận thông tin, lý lẽ mà nhà đàm phán muốn truyền đạt. 

4. Không nhìn vào mắt đối tác đàm phán:
Sẽ gây cảm giác thiếu thiện cảm, không tin tưởng, thậm chí gây nghi ngờ từ phía đối tác. Việc nhìn vào mắt đối tác khi đàm phán vừa thể hiện sự tự tin, quan tâm, vừa đem lại sự tin cậy cho đối tác. 

5. Phạm phải lời nói kiên kị:
Trên thế giới, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có những sắc thái ngôn ngữ khác nhau do đặc điểm về địa lý, sự phát triển về lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán khác nhau. Dân tộc nào cũng có những cấm kị trong ngôn ngữ. Nhà đàm phán cần khéo léo sử dụng ngôn ngữ, nắm rõ các cấm kị. 

6. Ðể cho đối tác quá nhiều tự do, quyền chủ động khi đàm phán: 
Nếu đối tác nói quá nhiều thì người đàm phán nên chủ động, khéo léo, cắt ngang hay đổi hướng bằng những câu hỏi hợp lý để cùng nhau quay về nội dung chính của đàm phán. Có nhiều trường hợp đối tác lợi dụng gặp gỡ đàm phán để quảng cáo, đàm phán bán một mặt hàng hoàn toàn khác. 

7. Ðưa hết tất cả thông tin, lý lẽ trình bày thuyết phục ra ngay từ đầu buổi đàm phán:
Hãy sử dụng lần lượt các thông tin, lý lẽ thuyết phục của mình cho từng nội dung hay từng thắc mắc tìm hiểu của đối tác. Đối tác cần có thời gian để tiếp nhận, “tiêu hóa” các thông tin trước khi bị thuyết phục để đi đến thống nhất trong đàm phán. 

8. Lảng tránh ý kiến phản đối hay nghi ngờ từ phía đối tác: 
Ðiều đó chỉ làm cho đối tác càng có lý do khẳng định ý kiến phản đối hay nghi ngờ của họ và từ đó sẽ gây ra định kiến trong suốt quá trình đàm phán. Vì vậy, cần phải hỏi lại thắc mắc của đối tác và kiên nhẫn trả lời bằng tất cả các lý lẽ của mình. 

9. Không chuẩn bị trước các giới hạn cần thiết khi đàm phán:
Ðiều này đã hạn chế rất nhiều phạm vi đàm phán khi không thể có những linh hoạt nhân nhượng trong chừng mực có thể. Và như thế, không chỉ gây thất bại cho lần đàm phán thương thuyết này mà còn tạo ra định kiến và báo trước thất bại cho cả những lần đàm phán sau đó.

10. Tìm cách áp đảo đối tác:
Người đàm phán giỏi không tìm cách áp đảo, dạy bảo đối tác mà nên tự đặt mình là người thể hiện tinh thần học hỏi khi đàm phán. Không nên có những lời lẽ, cử chỉ mang tính áp đảo gây mất cảm tình, khó chịu cho đối tác.